Trong thời gian vừa qua, thị trường taxi vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Không phải do lượng hành khách quá tải, mà bởi số lượng các hãng taxi công nghệ xuất hiện liên tục đã gây ra nhiều cuộc tranh luận chưa đi đến được hồi kết!
Người tiêu dùng lợi lớn
Ngoài giá rẻ, các hãng taxi công nghệ đang thường xuyên tung ra khuyến mãi, giảm giá 30.000 – 50.000 đồng/chuyến, càng khiến loại hình này được ưa chuộng.
Trước đó, Grab vừa triển khai tính năng đi chung xe GrabShare tại TP.HCM và mới đây tại Hà Nội, vừa cho phép người đi xe hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 10 – 30% so với việc đi GrabCar thông thường, vừa giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 chuyến xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe. Thế nhưng, GrabShare đang bị Hiệp hội Taxi TP.HCM phản đối khi dẫn các quy định hiện hành nhằm kiến nghị Bộ GTVT và Sở GTVT TP.HCM cho dừng tính năng đi chung xe này. Chưa thấy trả lời cụ thể về kiến nghị này, nhưng Bộ GTVT cũng vừa “tuýt còi”, yêu cầu các địa phương dừng cấp phép thí điểm mới Uber, Grab nhằm hạn chế bùng phát taxi công nghệ, gây áp lực lên hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác.
Cho đến nay, cơ quan quản lý đã cấp phép thí điểm hoạt động cho loại hình taxi công nghệ cho 7 đơn vị, gồm Grab, Uber, Thanhcong Car, Mailinh Car, Home Car, LB. Car, Vic. Car. Theo số liệu của Vụ Vận tải, tính đến tháng 4, số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi tham gia đề án thí điểm này vào khoảng hơn 13.500 xe. Riêng ở Hà Nội có 19.200 taxi và số lượng này vẫn giữ ổn định đến năm 2020, trong khi lượng xe taxi công nghệ đã lên đến 7.000 chiếc. Còn tại TP.HCM, trong khi taxi truyền thống chỉ có khoảng 11.000 xe thì đối thủ đã gấp đôi con số này với 22.000 xe tính đến cuối tháng 4.
TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định taxi công nghệ ra đời là mô hình thuận tiện, tạo điều kiện cho nhiều người dân đi lại bằng xe hơi với mức giá hết sức cạnh tranh, người tiêu dùng tiết kiệm chi phí đi lại được nhiều hơn.
“Số lượng xe tham gia dịch vụ công nghệ mới này gia tăng mạnh cho thấy nhu cầu đi lại của người dân ở các thành phố rất cao. Chúng ta nên khuyến khích và ủng hộ các loại dịch vụ mới này”, ông nói.
Cần công bằng với taxi truyền thống
Mặc dù mô hình taxi công nghệ “bùng nổ” vì giá rẻ, tiện lợi nhưng trên thực tế cũng phát sinh nhiều vấn đề khi quá trình phát triển quá nóng, nhất là gây áp lực lên hạ tầng giao thông, vốn đã chật chội, ùn tắc lâu nay. Cũng vì lý do này, taxi truyền thống tại TP.HCM bị khống chế ở mức 11.000 chiếc nhưng cơ quan chức năng lại cấp phù hiệu xe hợp đồng cho trên 20.000 xe từ 9 chỗ trở xuống, phần lớn những xe này sử dụng ứng dụng Uber, Grab để kinh doanh…
Đặc biệt là vấn đề thuế. Đại diện taxi truyền thống đã nhiều lần bức xúc cho rằng trong khi họ phải chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, thuế GTGT 10% thì thuế GTGT cho Uber là 3% trên doanh thu được hưởng. Với tỷ lệ được hưởng 20%, thì mức thuế Uber thực nộp chỉ 0,6% trên tổng doanh thu. Đây chính là lý do khiến các hãng taxi này đẩy giá xuống thấp, gây áp lực cho taxi truyền thống.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cũng chỉ ra taxi truyền thống đang bị đối xử không được công bằng trong một vài trường hợp. Chẳng hạn, một trong những quy định sai từ gốc là việc cấm taxi chạy trên một số tuyến đường vào giờ cao điểm, mà lại không cấm các loại xe con. “Vì sao chỉ cấm taxi mà không cấm các loại xe đang chạy Uber, Grab? Lẽ ra phải quy định ngược lại, là cấm ô tô con vào giờ cao điểm chứ không phải cấm taxi, vì taxi là loại hình vận tải công cộng và lượng xe con cá nhân cao hơn taxi nhiều. Hơn nữa, dịch vụ Uber, Grab cũng hoạt động như taxi lại không nằm trong đối tượng bị cấm là không công bằng. Theo ông, nhà nước nên thiết lập sân chơi chung bình đẳng, đảm bảo công bằng. Thay vì cấm đoán, cần xem xét cải tiến các quy định, nâng cấp hoạt động quản lý với công nghệ hiện đại. Đặc biệt, việc thu thuế các hãng xe phải được thực hiện đảm bảo công bằng, minh bạch”, luật sư Đức nêu vấn đề.
Theo chuyên gia về ô tô Nguyễn Minh Đồng, lợi ích của loại hình taxi công nghệ đã thấy rõ trong thời gian qua. Nên xem xét các giải pháp có thể hỗ trợ những doanh nghiệp vận tải truyền thống đồng thời không cấm các dịch vụ mới và sự lựa chọn sẽ thuộc về người tiêu dùng. Như thế sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo: Báo Thanh Niên